Lịch sử giáo xứ Văn Hạnh

Văn Hạnh – Kẻ Nhím được gieo giống Tin mừng từ những năm đầu của thế kỷ XVIII. Từ đại ngàn xa tít, dòng sông Cày ngày ngày chở về miền xuôi những đợt phù sa đỏ nặng, cứ lẽ thường, những đợt phù sa ấy sẽ trôi theo con nước xuôi ra biển cả, nhưng không hiểu vì sao khi đến chốn này, dòng sông lại nhẹ nhàng uốn mình, để rồi qua biết bao năm dài tháng rộng, lớp lớp phù sa đã lắng đọng để làm nên một dải đất phì nhiêu.
Lịch sử hình thành Giáo xứ Văn Hạnh

Lịch sử hình thành Giáo xứ Văn Hạnh

 

Như bao làng quê trên mảnh đất mang tên Việt Nam nầy, cái tên Văn Hạnh cũng được dệt nên từ vô vàn những câu chuyện “gừng cay muối mặn”, như khi phác họa lịch sử Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng nói, nay xin được họa lại rằng:

“Tóc mẹ thì búi sau đầu
Cha mẹ thương nhau từ gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên,
Hạt gạo một nắng hai sương xay giã dần sàng
Văn Hạnh (cũng) có từ ngày đó”.

Nhà thờ cũ Văn Hạnh

 

Thực vậy, từ nơi mảnh đất này, lớp lớp thế hệ đã sinh ra, lớn lên, cống hiến để rồi cuộc đời của họ, cách này hay cách khác, đã hóa thân để làm nên một phần trong chất Văn, chất Hạnh mà mỗi lần được cất lên thành tiếng, đều gợi cho người ta một cảm giác gì đó về sự lịch lãm, đầy đặn, thân thương và vô cùng đẹp đẽ. Cũng như cầu vồng có lẽ sẽ không đẹp nếu chỉ có một vân, một sắc, làng quê Văn Hạnh, xóm đạo Văn Hạnh có lẽ sẽ không trở thành một đặc sắc “giai phẩm”, nếu chỉ có một bề bình yên phẳng lặng.

Trong ngày trọng đại hôm nay, thiết tưởng cũng là dịp thuận tiện để chúng ta cùng nhau ngược dòng thời gian, ngắm lại những đạo trình mà con thuyền mang tên Văn Hạnh đã từng vượt qua.

I. Địa dư và lịch sử.

– Trên bình diện địa đồ, Văn Hạnh tọa lạc trên một địa bàn khá lý tưởng, phía Tây Bắc là quốc lộ 1A; Đông Nam là trục lộ Cầu Hộ Độ, Tây Nam là giao lộ Nam Cầu Cày và Đông Bắc có dòng sông Cày chảy qua. Và ngày hôm nay, khi thành phố Hà Tĩnh mở rộng biên độ, Văn Hạnh là cửa ngõ trước khi bước vào nội đô.

– Trên bình diện tôn giáo, Văn Hạnh nằm trong vùng có mật độ khá dày các giáo xứ toàn tòng. Chưa đầy 2 km về hướng Tây Nam là giáo xứ Chân Thành; nhìn xuống hướng Đông Bắc, cách nhà thờ Văn Hạnh hơn 1 km là tháp chuông thánh đường An Nhiên, nhìn lên hướng Tây Bắc, bên kia sông Cày là giáo xứ Lộc Thủy…

– Về phương diện lịch sử, nơi đây được kể là một trong những trung tâm đã diễn ra nhiều sự kiện, nhiều phong trào quan trọng trong lịch sử Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Vinh nói riêng. Nổi bật nhất là việc tiếp nhận ánh sáng Tin mừng ngay từ những buổi đầu; biến cố Văn Thân năm 1885; phát chẩn cứu đói năm 1945; hoạt động của Liên Đoàn Công Giáo những năm 1946 – 1951

II. Hành trình lịch sử:

– Cửa Sót, điểm dừng chân chớp nhoáng

Cho đến hôm nay, chưa có một tài liệu nào cho biết một cách cụ thể về thời gian Văn Hạnh được gieo giống Tin mừng, tuy nhiên cũng phải là võ đoán nếu nói rằng, nơi đây đã sớm được đón nhận đức tin, có thể là ngay trong những ngày đầu, khi các thừa sai dòng Tên đặt chân lên địa bàn Nghệ – Tĩnh – Bình. Khẳng định này căn cứ vào lịch sử đạo công giáo trên địa bàn Kẻ Nhím mà Văn Hạnh từ khi còn là một giáo họ nhỏ, đã được chọn làm nơi đặt trụ sở hạt đường và được gọi là Nhà Chung Văn Hạnh.

Nói về sự kiện gieo giống Tin mừng trên khu vực về sau được gọi là Kẻ Nhím, thừa sai Đắc Lộ trong quyển Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài (Alexandre de Rhodes, Histoire de Royaume du Tokin, Lyon) có đoạn: “Từ tỉnh này (tức Bố Chính Quảng Bình) chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, chúng tôi mới bỏ trước đây.

Nhà thứ nhất chúng tôi ở là nhà hai giáo dân sốt sắng, Phêrô và Anrê. Hai ông rất nhiệt thành chinh phục tất cả đồng hương và hết sức chuẩn bị tinh thần cho mọi người, đến nỗi chúng tôi không còn phải vất vả thêm lời giảng dạy, chúng tôi rửa tội cho một trăm mười hai người trong ba ngày cư trú ở đây. Rồi từ đây chúng tôi kéo thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là Rum nơi ở của quan tỉnh niềm nở đón tiếp chúng tôi…’’([1])

Theo các nghiên cứu lịch sử thì ba ngày mà thừa sai Đắc Lộ nói đến rơi vào khoảng 25, 26, 27 tháng 4 năm 1629 và địa điểm ngài đã ghé vào chính là Cửa Sót, thuộc giáo họ Kim Đôi, giáo xứa Trung Nghĩa ngày nay. Theo dòng triều dâng của sông Cày, chẳng bao lâu đã hình thành nên cánh đồng Kẻ Nhím.

– Từ Kẻ Nhím đến Văn Hạnh

* Tên gọi và địa danh Kẻ Nhím

Tên gọi Kẻ Nhím xuất hiện từ khá sớm. Linh mục Trương Bá Cần trong quyển Lịch sử Giáo phận Vinh, khảo sát số linh mục Việt Nam ở Nghệ Tĩnh Bình từ 1670 đến 1846 có đoạn: “Linh mục Bằng chịu chức lúc 49 tuổi, Đức Giám mục Bê-lô và thừa sai Ghi – danh đã phải gia công kềm cặp, trước khi giao phó cho ngài một giáo hạt ở Nghệ An năm 1716. Ngài đặt trụ sở tại Kẻ Nhím trong huyện Thạch Hà ngày nay; năm 1725, ngài tổ chức Năm Thánh tại Bố Chính; năm 1730, linh mục Bằng được thuyên chuyển ra tỉnh Nam, rồi mất tại đó ngày 9/11/1734” ([2]).

Tuy nhiên trong nhiều tài liệu lịch sử, địa danh Kẻ Nhím cho đến nay vẫn còn khá mơ hồ. Giả thuyết của linh mục Trương Bá Cần, rằng “Kẻ Nhím có thể là Kẻ Nhiên, An Nhiên” ([3]) vẫn chưa có gì chắc chắn, vì tên gọi An Nhiên đã xuất hiện từ trước đó. Năm 1701, các thầy giảng, được Đức Giám mục Đại diện Tông tòa sai đến trong các nhà thờ thuộc các thừa sai Dòng Tên để công bố cho giáo hữu biết sắc chỉ của Tòa thánh, tuyên bố rằng xứ Đàng Ngoài không thuộc quyền giám mục Macao, mà thuộc quyền các giám mục Đại diện Tông Tòa. Theo đó, nhà thờ An Nhiên đã được kể tên trong số 30 nhà thờ ở Nghệ An (lúc này bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) ([4]). Hơn nữa, giáo xứ An Nhiên khi thành lập (năm 1860) cũng được tách ra từ Kẻ Nhím.

Như vậy, khó có khả năng Kẻ Nhím và An Nhiên là một. Điều này có thể xác thực phần nào qua vụ án cha thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh. Trong tập truyện Sáu ông Phúc Lộc, tác giả đã hai lần nhắc đến địa danh Kẻ Nhím. Xin trích:

–         “Cụ Nghĩa trốn ở Xóm Nha (là tên gọi cũ của giáo họ Hạnh Đức, thuộc giáo xứ Văn Hạnh ngày nay), nhờ ông đội Thung có đạo, người Kẻ Nhím, làm việc quan ngoài Bắc Ninh, đã thôi về nhà hưu trí, liệu cách khéo thay áo quần đi tàng hình đưa vào thăm cùng giải tội cho người một lần, chừng được hai tháng thì người phải xử”([5]) (“người” tức cha thánh Phêrô Hoàng Khanh).

–         “Khi Đ.C. Jêsu gần chịu nạn, thì người đã muốn vào vườn Nhậtxêmani mà chịu cơn hấp hối ở đó cho nên có một đấng thiên thần ở trên trời xuống yên ủi người.

Cùng một lẽ, khi đem tin chỉ vua đã ra xử cụ Khanh, thì người cũng xanh mặt và như ngất đi một chốc; chị Mát, – là người nhà phước Kẻ Nhím đã vào giúp nhà Hướng Phương 15 năm, cũng đã được chọn làm chị ả ở đó năm 1833, rồi trở về làm chị ả nhà Kẻ Nhím năm 1838, – cũng yên ủi người rằng: “Còn một chút nữa, thì cha sẽ về nước Thiên đàng”. Người tỉnh lại, rồi thì mặc đồ chịu đi xử”.([6])

Nhà phước Kẻ Nhím được nêu tên ở đây chính là tiền thân của nhà dòng Chân Thành ngày nay. Như vậy, Kẻ Nhím hoặc là một địa danh nằm trong xứ Chân Thành ngày nay như khẳng định của linh mục Cao Vĩnh Phan trong quyển…..([7]), hoặc ít ra Kẻ Nhím gần với Chân Thành hơn là An Nhiên.

* Từ hạt Kẻ Nhím đến hạt Văn Hạnh

Nếu như địa danh Kẻ Nhím cho đến nay vẫn chưa được minh định một cách rõ ràng, thì địa hạt Kẻ Nhím lại có phần chắc chắn hơn. Trong bản phúc trình của Đức Cha Ngô Gia Hậu (tức thừa sai Gauthier) ngày 13/2/1853, báo cáo về số giáo hạt và số nhân danh của giáo phận Vinh, thì năm 1844, giáo hạt Kẻ Nhím có 4.636 tín hữu và đến năm 1852 đã là 5.223 tín hữu.

Ý nghĩa giáo luật của hạn từ “giáo hạt” trong bản phúc trình vừa nêu, Linh mục Trương Bá Cần có ghi: Để chỉ những đơn vị truyền giáo, các bản phúc trình của các giám mục đương thời có lúc dùng từ “giáo hạt” (districtus, ditriest), có lúc dùng từ “giáo xứ” (parochia, paroisse). Nhưng giáo hạt hay giáo xứ không có ý nghĩa giáo luật chặt chẽ như ngày nay. Giáo hạt hay giáo xứ thời điểm này chỉ là những giáo sở trung tâm thuận tiện cho việc liên lạc với các họ đạo chung quanh hoặc an toàn cho sự ẩn trốn của các nhà truyền giáo, có lúc là địa danh của một vùng, một huyện, có lúc là địa danh của một địa phương nhỏ, nơi cư ngụ của các linh mục bản quốc hay của các thừa sai”([8])

Với chứng liệu trên thì giáo hạt Kẻ Nhím được hiểu như một giáo xứ rộng lớn. Chính từ giáo xứ này, khai sinh ra phần lớn các giáo xứ trong giáo hạt Văn Hạnh ngày nay như An Nhiên (1860), Trung Nghĩa (1875), Hòa Thắng (1880). Đến năm 1939, mặc dù vẫn đang là họ lẻ của giáo xứ An Nhiên, Văn Hạnh đã được chọn làm trụ sở hạt, các thừa sai giữ chức quản hạt và thường xuyên cư ngụ tại đây. Tên gọi mới – hạt Văn Hạnh ra đời, từ đó tên gọi Kẻ Nhím không còn xuất hiện với tư cách là tên gọi của một giáo hạt nữa.

* Văn Hạnh qua các biến cố thăng trầm

–         Trước khi diễn ra nạn Văn Thân (1885)

Cũng như sự mơ hồ về thời điểm hai chữ Văn Hạnh được dùng để gọi tên cho vùng đất này, cho đến nay, vẫn chưa thấy tài liệu nào nói về thời điểm ra đời giáo họ Văn Hạnh. Tuy nhiên, theo những gì được kể lại thì trước khi xảy ra nạn Văn Thân, Văn Hạnh đã có một ngôi nhà nguyện thô sơ, vật liệu chủ yếu là tranh tre nứa, tọa lạc tại vườn cố Minh Học, cách nhà thờ xứ hiện tại chừng 500m theo hướng Nam. Ngôi nhà nguyện này đã bị quân Văn Thân đốt phá, riêng đồ thánh thì vẫn được bảo toàn, nhờ cố Đổng khéo léo cất dấu trong một căn hầm bí mật tại nhà mình.([9])

Mặc dù không có thêm nguồn sử liệu nào, nhưng việc đã có một ngôi nhà nguyện, và sau nạn Văn Thân, còn được thừa sai Belleville xây dựng ngôi thánh đường kiên cố (tức ngôi nhà thờ cũ hiện đang được sử dụng) cũng cho thấy phần nào sinh hoạt đức tin của Văn Hạnh ngày đó, hẳn là đã có nền tảng khá vững vàng.

–         Văn Hạnh trong nạn Văn Thân

Văn Thân là tên gọi của một phong trào khởi phát từ chiếu Cần Vương do Tôn Thất Thuyết khởi xướng vào năm 1885, nhân danh vị hoàng đế trẻ tuổi Hàm Nghi đang phải lẩn trốn sự truy đuổi của người Pháp, sau cuộc tập kích bất thành vào đêm mồng 04, rạng mồng 05 tháng 7 năm 1885, nhắm vào nơi đóng trú của các tướng lãnh và binh sĩ Pháp. Lúc này thực dân Pháp đã đặt ách thống trị lên toàn cõi An Nam (sau hòa ước Patenôtre, 06/6/1884).

Phong trào tập hợp đông đảo các tầng lớp nho sĩ, quan lại yêu nước mà theo họ: “sự xâm nhập của đạo Thiên Chúa đã làm tổn thương đến tư tưởng, tình cảm của dân tộc, làm xóa mòn các giá trị đạo đức có từ ngàn năm nay”. Đó là lí do thay vì chống Pháp, họ quay sang chĩa mũi vào các thừa sai và các tín hữu công giáo. Với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, người ta kéo quân đi triệt hạ tận gốc các làng công giáo, gây ra nhiều nỗi tang thương và để lại không ít những bất hòa giai dẳng. Nếu như dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; thì dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công giáo bị sát hại. Phong trào diễn ra rầm rộ nhất tại khu vực Nghệ Tĩnh trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 1885 đến tháng 10 năm 1886.

Là xóm đạo đã có truyền thống, nên Văn Hạnh cũng trở thành một trong những mục tiêu đánh phá của quân Văn Thân. Theo những gì được kể lại, đang khi cố Minh (tức thừa sai Aguesse) đang thân chinh xuống Trung Nghĩa chiêu tập lực lượng và phối hợp với Trại Lê, cứu nguy cho An Nhiên, Văn Hạnh, Chân Thành (Giáp Hạ), vì ngài đã dò được âm mưu của quân Văn Thân quyết định “làm cỏ” khu vực này, thì càn quân đã kéo đến. Vì thế khi đoàn quân cố Minh về đến thị trấn Cày, thì Chân Thành và An Nhiên đã bị đánh phá tơi bời, nhiều giáo dân đã bị giết, số khác đang tìm đường tháo mạng. Văn Hạnh đang nguy cấp, giáo dân đang bị dồn xuống bãi Vẹt và có nguy cơ bị giết sạch.

Tình hình quá khẩn cấp, cố Minh nảy ra sáng kiến, đốt các lều lán của quân Văn Thân tại Cày để giải nguy. Nhìn thấy khói lửa bốc cao, quân Văn Thân hốt hoảng vì nhận ra làng mình đang bị trả đũa, nên vội vàng kéo về nhưng đã quá muộn. Quân Văn Thân chưa kịp rút khỏi làng Văn Hạnh thì quân của cố Minh đã ập tới. Một trận quyết tử đã xảy ra ngay tại đập Hầu. Phát súng đầu tiên của cố Minh đã nhắm trúng đầu tên chỉ huy là Câu Chiêu. Y nhào xuống khỏi voi, tử trận tại chỗ. Quân Văn Thân mất tướng lại càng hốt hoảng hơn. Trong khi đám hỗn quân chưa biết xoay xở thế nào thì giáo dân từ bãi Vẹt thừa thắng kéo lên. Bà con giáo dân An Nhiên, Chân Thành đang tìm đường trốn thoát cũng quay lại phối hợp. Hai mũi tấn công xiết chặt đám hỗn quân từng lúc một hơn. Mặc dù trong tay chỉ có cuốc, cào, và những cây nứa vót nhọn nhưng từng ấy cũng đủ để diệt gọn đoàn quân Văn Thân. Năm con voi của năm chỉ huy cũng bị hạ gục (một chôn tại góc vườn ông Tuệ, một tại ngõ bà Nhường, một tại Đập Nậu, một tại Cồn Diệc và một tại Sác giữa).

Quân Văn Thân đã bị giáng một đòn chí tử, nhưng Văn Hạnh cũng chịu những tổn thất không nhỏ. Nhà cửa, thóc lúa, trâu bò, trong phút chốc, tất cả đã bị lửa Văn Thân thiêu rụi. Vừa túng quẫn, vừa uất ức, giáo dân Văn Hạnh đã dồn sang cướp phá các làng lương dân. Thậm chí còn khiêng cả chuông Chùa của làng họ về dùng. Quả chuông đó hiện đang được treo tại nhà xứ Văn Hạnh.

–         Thừa sai Bellevile tái thiết Văn Hạnh

Ngày mồng 06 tháng 7 năm 1886, thầy Francois Belleville được gọi lên bàn thánh thì 2 tháng sau, ngày 10 tháng 9, cha lên đường sang An Nam theo tiếng gọi truyền giáo. Sau 3 năm phục vụ tại giáo xứ Vạn Phần, năm 1888, ngài được bề trên cử về làm hạt trưởng thay cho cố Minh. Và ngài đã bắt tay vào tái thiết Văn Hạnh.

Lúc này phong trào Văn Thân đã tan rã, nhưng những di chứng để lại thì vẫn còn rất nặng nề. Cha đã ra sức an ủi, động viên bà con giáo dân, và để tăng thêm niềm lạc quan, phấn khởi cho mọi người, ngài quyết định chọn địa điểm mới cho xứ đường và xây dựng nhà thờ mới tại một vị trí trung tâm hơn.

Mặc dù cha Belleville (cố Thọ) sau 2 năm phục vụ tại Văn Hạnh, lại được bề trên gọi về làm giáo sư chủng viện Xã Đoài, nhưng công trình mà ngài khởi sự đã được cố Xuân, tức thừa sai Magat tiếp tục và hoàn thành vào năm 1893, tức một năm sau sự kiện Đức Cha Pineau Trị dâng giáo phận Vinh cho Đức Mẹ (15 tháng 8 năm 1892). Công trình ấy cho đến hôm nay vẫn còn rất vững chãi.

–         Phát chẩn trong nạn đói 1945

Vào những tháng cuối năm 1944, đầu năm 1945, một nạn đói lớn ập đến cho người dân toàn Miền Bắc. Điều đáng nói là nó xảy ra đúng vào khi nền kinh tế của đất nước đã bị các thế lực nước ngoài bòn rút đến cạn kiệt. Vì thế, hàng triệu sinh mạng bị đặt vào lên bờ sinh tử.

Không còn phân biệt giáo lương, kho lẫm của các Nhà Chung tức tốc mở cửa cứu đói. Nhà Chung Văn Hạnh, lúc này dưới quyền coi sóc của cố Yên (tức thừa sai Francois Gonnet) đang tích lũy được gần hai lẫm lúa lớn. Và hằng ngày, từ sáng sớm, đoàn người khắp nơi tuôn đến, sắp thành hàng dài để nhận phát chẩn. Mỗi người một đấu lúa. Cứ thế trong suốt hai tháng liền (từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1945), Nhà Chung Văn Hạnh đã trở thành niềm hy vọng sống cho đồng bào khắp vùng. Dù rằng mỗi người chỉ nhận được một lượng lương thực ít ỏi, nhưng từng ấy cũng đủ cho họ cầm hơi để chống chọi qua cơn hoạn nạn.

Ngoài ra, trong và sau nạn đói, người ta mang đến Nhà Chung Văn Hạnh rất nhiều trẻ em hoặc không còn chỗ nương thân, vì cha mẹ đã chết trong cơn đói, hoặc cha mẹ các em không còn khả năng nuôi dưỡng. Cùng với việc phát chẩn, Cố Yên vì thế đã mở nhà tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Số trẻ mồ côi này lớn lên, dựng vợ gả chồng, cho đến nay cũng đã được ba bốn thế hệ. Và người ta quen gọi họ là con trẻ Nhà Chung.

Hoạt động phát chẩn và nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Văn Hạnh ngày đó, mà cố Yên là người đứng đầu đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng bà con lương dân cho đến tận hôm nay.

–         Tách khỏi xứ mẹ An Nhiên, lập thành giáo xứ mới

Trải qua nhiều biến động thăng trầm, xóm đạo Văn Hạnh đã thực sự trưởng thành cả về mặt số lượng cũng như tổ chức, đủ khả năng đảm nhiệm những vai trò, trọng trách của một giáo xứ.

Năm 1950, tức là sau 90 năm nằm trong lòng xứ mẹ An Nhiên, Văn Hạnh được bề trên nâng lên thành giáo xứ. Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm Giáo hội Việt Nam nói chung, giáo phận Vinh nói riêng, đang có những chuyển mình, sang trang.([10]). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hạt Văn Hạnh, một vị linh mục người Việt được giao phó trọng trách hạt trưởng, đó là cha Phêrô Phúc. Trước đó ngài là linh mục quản xứ An Nhiên, nhưng sau khi Văn Hạnh được nâng lên thành giáo xứ, đồng thời cũng là nơi đặt trụ sở hạt như đã nói, với tư cách là linh mục quản hạt, ngài được thuyên chuyển về Văn Hạnh.

Mặc dù vậy, vì một số nguyên nhân (chưa rõ), quyết định thành lập xứ Văn Hạnh phải đợi 12 năm sau (1962) mới được minh nhiên công bố cách rộng rãi trong lịch phụng vụ của giáo phận. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến vị thế của Văn Hạnh trong sinh hoạt giáo hạt nói riêng, giáo phận nói chung. Vì cha Phêrô Phúc sau khi được chuyển về làm linh mục quản xứ, quản hạt Văn Hạnh, đã thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao vị thế của giáo hạt, mà trong đó Văn Hạnh là hạt nhân. Trong đó phải kể đến việc khẩn trương xây dựng ngôi nhà khách của giáo xứ, củng cố hoạt động của Liên đoàn Công giáo tiến hành và nhất là ráo riết chuẩn bị cho cuộc Đại hội Thánh Thể với quy mô chưa từng thấy đã diễn ra một năm sau đó (1951).

– Đại hội Thánh Thể, đỉnh cao hoạt động của Liên đoàn Công giáo hạt Văn Hạnh

Liên đoàn Công giáo tiến hành của giáo phận Vinh được Đức Cha G.B Trần Hữu Đức phát động thành lập vào ngày 3/6/1946, sau khi tham dự Đại hội Công giáo Toàn quốc tại Phát Diệm (ngày 29/10/1945). Lúc này ngài còn là linh mục Tổng quản của giáo phận ([11]).

Với những chủ trương tiếp thu từ Đại hội Công giáo Toàn quốc, phong trào đã được cụ thể thành một chương trình hoạt động rất quy mô trên nhiều bình diện, đến từng giáo hạt, giáo xứ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. “Sinh hoạt tôn giáo trước đây chỉ có kinh lễ, rước xách; giáo lý thì cũng chỉ là những câu bổn hỏi – thưa thi nhau đọc thuộc lòng. Nay thì ngoài sinh hoạt tôn giáo bình thường, có thêm những khóa huấn luyện, những đợt tĩnh tâm, khi thì cho giới này, khi thì cho giới khác; khi thì tổ chức ngay trong xứ họ, khi thì tổ chức liên xứ, liên hạt… Trình độ hiểu biết về đạo, về đời của giáo hữu địa phận Vinh nhờ sinh hoạt của Liên đoàn Công giáo đã được nâng cao rõ rệt”([12]).

Không khí sôi nổi của giáo phận đồng thời cũng là những gì đã diễn ra tưng bừng tại giáo xứ, giáo hạt Văn Hạnh. Bà con giáo dân, từ thiếu nhi, thanh niên, gia trưởng, phụ lão, lứa tuổi nào hội đoàn nấy, tham gia sinh hoạt rất nhiệt tình. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến cuộc Đại hội Thánh Thể diễn ra trong ba ngày, quy tụ tất cả 17 giáo xứ trong hạt nhà.

Để chuẩn bị bước vào Đại hội, Ban tổ chức Liên đoàn giáo hạt (bao gồm: ông Mai Hội, người giáo họ Hạnh Tiến, Văn Hạnh, Trưởng ban; Ông Thạch, giáo xóm Trung Phú (Hạnh Phúc), Văn Hạnh, Phó ban; Ông Diếu, giáo xứ Trung Nghĩa, Phó ban và tổ chức cho thanh thiếu niên toàn hạt đã cắm trại 3 ngày tại khuôn viên nhà thờ, nhà xứ Văn Hạnh. Mỗi giáo xứ dựng một cổng yết, bắt đầu từ nhà thờ An Nhiên. Riêng hai giáo xứ Trại Lê và Trung Nghĩa dựng hai trạm nghỉ đồ sộ trên đường rước, là điểm kiệu Thánh Thể được rước vào chầu. Chiều thứ 7 áp ngày cao điểm, đã diễn ra cuộc đi Đàng Thánh giá trọng thể. 14 mô đất cao được đắp lên tượng trưng cho 14 chặng, trên đó có người đứng vác thập giá. Tại mỗi chặng, linh mục chủ sự sẽ dừng lại cắt nghĩa. Cứ như thế cho đến chặng 14 tại lễ đài, được dựng ngay mặt tiền nhà xứ. Bước sang ngày Chúa Nhật, đoàn rước kiệu Thánh thể tiếp tục được tổ chức trọng thể như thế và kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể cũng tại lễ đài.

Không khí sinh hoạt Liên đoàn công giáo cho đến nay vẫn còn được những người Văn Hạnh đã sống thời đó lưu giữ khá rành mạch trong ký ức, nhất là cuộc Đại hội Thánh thể quy mô và rất sốt sắng.

Nhưng đáng tiếc là không khí đó đã không được kéo dài. Liên đoàn Công giáo giáo phận bắt đầu có dấu hiệu thoái trào do những nguyên nhân khách quan, nhất là sau vụ Trang Nứa – Hưng Yên (giữa năm 1952), hoạt động của Liên đoàn phải ngưng hẳn. Các cán bộ chủ chốt của Liên đoàn lần lượt bị xét hỏi và bắt giam.

Tại Văn Hạnh, linh mục quản hạt Phêrô Phúc cũng không tránh được những phiền toái. Một câu nói đầy ẩn ý “của ái đó” mà cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên: “Chờ mưa rào, ếch nhái sẽ chui ra, khi đó tha hồ mà bắt”. Mọi việc đã xảy ra như vậy. Cha Phúc phải trốn vào Nam, những người đã tham gia tổ chức, lãnh đạo phong trào bị sách nhiễu, bỏ tù. Văn Hạnh ngập đầy không khí hoang mang, lo sợ.

–         Mười một năm, sở hạt Văn Hạnh chỉ có linh mục phụ trách; hai mươi tám năm, hạt trưởng không ở Văn Hạnh.

Niềm vui có chủ chăn chưa kéo dài được bao lâu thì giáo dân Văn Hạnh lại bơ vơ. Lúc này linh mục Thân Văn Hiêng, quản xứ An Nhiên được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành và xử lí những vấn đề của Văn Hạnh. Đến năm 1955, linh mục Phêrô Nguyễn Đình Trọng, nguyên là Giám đốc Tiểu Chủng viện dự bị Xuân Phong được điều về làm hạt trưởng, nhưng cũng không ở tại sở hạt. Công việc mục vụ tại Văn Hạnh được giao cho cha phó, đúng hơn là một linh mục đang hưu dưỡng tại Văn Hạnh – cha già Phêrô Nguyễn Văn Điều (và ngài cũng qua đời tại đây vào năm 1962, phần mộ nằm trong khuôn viên nhà thờ cũ). Tiếp đó, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huyền, thụ phong linh mục ngày 1/2/1959, đến ngày 4/5/1959, nhận bài sai về làm linh mục phó Văn Hạnh, nhưng cũng sau 2 năm 3 tháng (tức ngày 2/8/1961), lại được thuyên chuyển vào quản xứ Ngô Xá.

Linh mục Giuse Phan Văn Tần được cử về coi sóc Văn Hạnh, chấm dứt 9 năm đoàn chiên nơi đây khắc khoải chờ đợi có linh mục quản xứ. Cha Tần vừa thụ phong linh mục thì được gửi về quản xứ Văn Hạnh nhưng không làm hạt trưởng và ở đây suốt 28 năm ròng (1961 – 1989), trải qua ba đời hạt trưởng (Cha Trọng, quản xứ An Nhiên (1956 – 19780; cha Định, quản xứ Trung Nghĩa (1979 – 1986); cha Lê Đình Hướng, quản xứ Trung Nghĩa (1986 – 1990).

Trong suốt những năm dài ấy, cha Tần mặc dù ấp ủ bao dự định cho đoàn chiên, nhưng do những phức tạp của thời cuộc, nên mãi đến cuối đời, khi đã chuyển lên quản xứ Chân Thành, trong thời gian này khởi công xây dựng nhà xứ Văn Hạnh. Cũng chính những khó khăn thời cuộc đó mà trong những năm 1981- 1983, một số gia đình là con cái Văn Hạnh đã tìm đường vào Nam. Mặc dù con số di cư không lớn, nhưng cũng tạo ra một số xáo trộn trong sinh hoạt thường nhật xóm làng cũng như sinh hoạt đức tin của cộng đoàn giáo xứ. Số các gia đình này hiện đã an cư tại Bắc Ruộng, thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận (khoảng 50 hộ gia đình với ….nhân khẩu), số khác định cư tại Bình Giã, Xuân Sơn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (khoảng 40 họ gia đình với….nhân khẩu), một số nhỏ khác nữa ngược lên Đaklak (trên dưới 10 hộ gia đình).

Nhà thờ mới được xây dựng từ năm 2003 đến năm 2012
 

–         Những bước chuyển mình quan trọng và một tương lai đầy hứa hẹn

Sau khi linh mục Giuse Phan Văn Tần được thuyên chuyển lên Chân Thành, đoàn chiên Văn Hạnh lại phải hai năm lâm cảnh bơ vơ (1989 – 1991; Văn Hạnh lúc này được cha Phêrô Khánh, quản xứ Ngô Xá kiêm nhiệm) và đó cũng là hai năm giáo hạt không có hạt trưởng. Nhưng đó có lẽ là những thử thách cuối cùng trước khi giáo xứ này bước vào thời kỳ chuyển mình đầy hứa hẹn.

Ngày 15/8/1991, trong khi cả giáo phận đang tưng bừng khai mạc Năm toàn xá, kỷ niệm 100 năm đoàn con cái giáo phận được Đức Cha Pineau Trị dâng hiến cho Đức Mẹ thì Văn Hạnh cũng ngập đầy trong niềm vui riêng. Ngày 17/11/1991, giáo xứ vui mừng khôn tả chào đón vị linh mục quản xứ mới – cha Phêrô Nguyễn Văn Đức, vì sau 40 năm kể từ ngày cha Phêrô Phúc ra đi, linh mục quản xứ đồng thời là hạt trưởng mới lại về với Văn Hạnh.

Là người táo bạo và có nhiều tâm huyết với Giáo hội, nên vừa về nhận nhiệm sở, ngài đã bắt tay ngay vào việc củng cố tinh thần sống đạo cho toàn hạt, chấn chỉnh lề thói làm việc cho Hội đồng Hành giáo các giáo xứ, đề ra lịch sinh hoạt định kỳ cho từng đơn vị, đề cao phong trào học giáo lý cũng như mạnh dạn giải quyết những vấn đề nan giải của từng giáo xứ. Nhưng thành công lớn nhất phải kể đến việc mở lớp Tu sinh An Nhiên, quy tập những người có chí hướng dấn thân theo ơn gọi linh mục về đây, vừa ôn luyện kiến thức văn hóa, vừa rèn luyện đời sống nhân đức. Nhiều người trong số các tu sinh ngày đó, bây giờ đã trở thành linh mục, và đang phục vụ tại các giáo xứ hoặc đảm trách những công việc mục vụ đặc biệt của giáo phận.

Cách riêng với giáo xứ Văn Hạnh, ngài đã tiến hành tân trang lại Cung thánh, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhà xứ. Đặc biệt, để tiện cho việc tổ chức các dịp đại lễ ngoài trời, ngài đã kỷ niệm giáo xứ một lễ đài Đức Mẹ với những vật liệu đắt tiền. Ngày 26/11/1993, ngài còn cho khởi công xây dựng nhà thờ giáo Hạnh Tiến (chiều dài: 26m, chiều rộng: 12m, và chiều cao tháp chuông dự kiến: 31m)

Chính nhờ công lao của cố linh mục Phêrô Nguyễn Văn Đức mà chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống đức tin của Văn Hạnh nói riêng, toàn hạt nói chung, đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, tạo tiền đề cho vững chắc cho những năm tháng tiếp theo. Nhưng có lẽ cũng vì những thành công đó, mà chỉ sau 3 năm (ngày 10/8/1994), giáo xứ, giáo hạt Văn Hạnh đành chấp nhận ngậm ngùi tiễn chân ngài về Xã Đoài, để phục vụ những nhu cầu lớn hơn tại giáo đô của giáo phận. Để bù đắp lại, Bề trên đã cử linh mục Phêrô Đậu Đình Triều, lúc này đang quản xứ Vạn Lộc về thay thế.

Ngày 16/8/1994, cha Triều đến nhận nhiệm sở. Những công trình đức tin mà vị tiền nhiệm đã khởi sự lại tiếp tục nhận được sự quan tâm cách đặc biệt của vị tân quản xứ, quản hạt, nhất là với lớp Tu sinh An Nhiên. (đã chuyển về Văn Hạnh)

Với Văn Hạnh có thể nói, chưa bao giờ không khí kiến thiết, xây dựng lại rầm rộ và quy mô như dưới thời cha Triều coi sóc. Ban đầu là việc tân trang lễ đài Đức Mẹ, tiếp đó ngài cho xây giếng nước …, trang bị đầy đủ ghế ngồi trong nhà thờ, tiếp tục công trình nhà thờ giáo họ Hạnh Tiến cho đến ngày hoàn thành (07/10/1998), xây trường giáo lý, nhà khách (công trình nhà khách được xây dựng ngay trên nền Nhà Lẫm cũ, nhưng chỉ vừa mới xong phần móng thì đã bị đình chỉ cho đến hôm nay). Đặc biệt, theo chủ trương chia tách giáo phận đã được Bề trên giáo phận (lúc này là Đức Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp) chuẩn bị từ trước, ngày 16/9/2003, công trình nhà thờ mới (dự kiến sẽ là nhà thờ chính tòa của giáo phận mới trong tương lai) đã được khởi công. Đây là một công trình nhà thờ quy mô nhất của giáo phận Vinh từ xưa đến nay với tổng diện tích 2013 m2 (dài: 67,8m; rộng: 27,6m và cánh Thánh giá). Cũng vì thế mà lễ khởi công (30/7/2003) và lễ đặt viên đá đầu tiên (16/9/2003) do Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự, đều được tổ chức rầm rộ như những ngày hội.

Cũng trong thời gian cha Triều coi sóc, Xóm Nha, thuộc xứ An Nhiên đã được sát nhập vào Văn Hạnh (năm 1994) sau bao nhiêu năm trong tình cảnh “cùng làng khác xứ” và lấy tên là giáo họ Hạnh Đức.

Ở tuổi đời 81 và sau 47 năm thi hành chức vụ chủ chăn trong vai trò linh mục quản xứ, Cha Phêrô Đậu Đình Triều được Bề trên giáo phận cho nghỉ hưu. Ngày 25/10/2004, ngài chuyển về hưu dưỡng tại giáo họ Hạnh Tiến (cho đến nay đã được 8 năm và vẫn đang khỏe mạnh, minh mẫn).

Người thay thế cha Triều là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, lúc này đang quản xứ Trại Lê. Vốn là người điềm đạm, cộng thêm sức trẻ, nên mặc dù đang phải đảm trách một số công việc chuyên biệt của giáo phận, ngài vẫn dành nhiều tâm huyết cho việc củng cố nền phụng tự, giáo lý cho giáo xứ và toàn giáo hạt. Đáng kể hơn cả là việc từng bước hoàn thiện ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ này, một công trình đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về sức người, sức của. Ở đó, vài trò chỉ đạo, điều hành của ngài với tư cách là linh mục quản xứ đã đóng góp phần quan trọng để có thể đi đến thành công như ngày hôm nay.

– Văn Hạnh trước một viễn cảnh mới

Chỉ mới hôm nào, Văn Hạnh vẫn còn là một xóm nhỏ nằm trong lòng xứ mẹ An Nhiên, vậy mà sáu mươi hai năm sau, xứ đạo tưởng như còn rất non trẻ, lại có thể làm được những điều khiến người ta phải nức lòng ca ngợi. Gần bốn mươi mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, những trận mưa mồ hôi tưởng như nhiều hơn cả nước mưa trời để làm nên công trình nhà Chúa nguy nga đồ sộ. Chỉ ngần ấy cũng đủ để nói lên tất cả.

Và giờ đây, khi thời khắc của ngày khai sinh giáo phận mới đang đến gần, Văn Hạnh lại được chọn làm Nhà Chung, không chỉ cho địa hạt Kẻ Nhím như hôm nào, nhưng là cho đoàn con cái Giáo hội từ Sông Lam đến tận bên này bờ Hiền Lương.

(Còn Tiếp…)

 



[2] Trương Bá Cần, Lịch sử giáo phận Vinh tr 42 (trích dẫn từ Luois Neez, Document sur le clegé Tonkininois, Paris 1925 và André Marillier, Nos Pères dans la Foi, notes sur le clegé Tonkininois de 1666 à 1765, 3 tomes, Paris 1993-1995.

[3] Sđd, tr 258

[4] Sđd, tr 46

[5] Truyện Sáu ông Phúc Lộc tử vì đạo, trang 252

[6] Truyện Sáu ông Phúc Lộc tử vì đạo, trang 259

[7] Ngày xưa, có khi thay vì Kẻ Nhím, có người gọi là Nhành Nhanh.

[8] Trương Bá Cần, Sđd, tr 61- 62

[9] Kể rằng khi quân Văn Thân kéo đến, cố Đổng đã nhanh chóng đưa đồ thánh cất dấu vào căn hầm bí mật tại nhà mình. Khi hoạn nạn qua đi, vườn cố Đổng lại nằm trong khu vực quy hoạch thánh đường mới. Nhưng việc đền bì không thỏa đáng, đã khiến cố bất mãn. Lại còn chuyện khác, ấy là khi quân Văn Thân phá làng, phát hiện nhà cố Đổng có một hương án nên đã bỏ qua không đốt nhà đó. Sau này khi yên bình trở lại, có người lấy chuyện đó xì xầm, cạnh khóe chỉ trích, khiến cố càng thêm phẫn uất. Và cố Đổng đã tuyên bố bỏ đạo.

[10] Ngày 16 tháng 9 năm 1951, linh mục G.B Trần Hữu Đức được tấn phong làm Giám mục giáo phận Vinh. Đây là vị Giám mục Việt nam tiên khởi của giáo phận Vinh sau 105 năm (1846 – 1951) kể từ ngày thành lập. 10 năm sau (1960), hàng giáo phẩm Việt Nam chính thức được thành lập. Đây cũng là giai đoạn Liên đoàn Công giáo tiến hành của giáo phận ra đời và hoạt động rầm rộ nhất.

 

[11] Xem thêm Trương Bá Cần, Lịch sử giáo phận Vinh, trg 174 – 177

 

One thought on “Lịch sử giáo xứ Văn Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *